Phát triển phương pháp và xác định dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhóm neonicotinoid và carbamate trong rau củ quả bằng phương pháp HPLC-MS

106

Tóm tắt: Hóa tin (chemometric) trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hóa học trong nhiều năm trở lại đây. Trong công trình này chúng tôi đã ứng dụng hóa tin vào việc tối ưu hóa các thông số hoạt động thiết bị HPLC-MS để xác định đồng thời cyromazine, carbendazim, methomyl, imidacloprid và thiophanate methyl trong các mẫu rau củ quả. Hai loại pha động được sử dụng là acid formic/nước và acid formic/acetonitril và một số thông số khác có ảnh hưởng đến quá trình tách sắc kí trên thiết bị HPLC-MS đã được lựa chọn gồm: tỷ lệ hàm lượng % của acid formic/nước và % của acid formic/acetonitril, lưu tốc dòng pha động, lưu tốc khí làm khô (drying gas), tốc độ hút mẫu, tỷ lệ % của acid formic/nước tại nấc thứ nhất của chương trình gradient pha động và tỷ lệ % của acid formic/nước tại nấc thứ hai của chương trình gradient pha động. Tất cả 8 thông số được tối ưu hóa thông qua ma trận yếu tố riêng phần 28–3 bằng phần mềm Design Expert 7.0. Các điều kiện tối ưu của mỗi thông số đã được đưa ra sau quá trình tối ưu hóa: 0.06% acid formic/nước, 0.13% acid formic/ acetonitril, nhiệt độ cột tách 28°C, lưu tốc khí làm khô 13.6L/phút, tốc độ hút mẫu 11μL/sec, tỷ lệ 0.06% acid formic/nước tại nấc thứ nhất của chương trình gradient pha động: 77% và tỷ lệ 0.06% acid formic/nước tại nấc thứ hai của chương trình gradient pha động: 5%.
Cho đến thời điểm này, có rất nhiều phương pháp phân tích đa hợp phần dư lượng để phân tích dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (DLHCBVTV). Nổi bật hơn hết là phương pháp QuEChERS (Quick, Easy, Cheap, Effective, Rugged and Safe) đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn trong hầu hết các phòng thí nghiệm, với việc giảm thiểu lượng dung môi tiêu thụ và tương thích với cả kỹ thuật GC-MS và LC-MS. Trong đề tài này, chúng tôi đã sử dụng phương pháp QuEChERS với đệm citrate làm phương pháp tham khảo để phát triển phương pháp trong đề tài này. Qua đó chúng tôi đã sử dụng hỗn hợp PSA (Primary secondary amin) và C18 để làm sạch dịch trích theo kiểu phân tán pha rắn. Phương pháp đã được phát triển thành công trên các nền mẫu pó xôi, hành lá, ớt chuông, gừng, đậu bắp và xoài, độ thu hồi trung bình đạt được với đa số các hoạt chất khảo sát là từ 82.0 đến 89.0%, ngoại trừ cyromazine chỉ đạt hiệu suất thu hồi 35.1% – 37.2%. Giới hạn phát hiện của phương pháp (MDL) của các hoạt chất nằm trong khoảng nồng độ 0.01 – 0.03 mg/kg. Giá trị độ lặp lại ≤ 9.8% và tái lặp ≤ 10.3% và đều cho thấy nhỏ hơn giá trị cho phép trong phòng thí nghiệm khi tính theo hàm Horwitz. Phương pháp đề xuất trong đề tài có khả năng áp dụng vào thực tế kiểm nghiệm với độ lặp lại và độ chính xác chấp nhận được.
Từ khóa: Hóa tin (chemometric), HPLC-MS, design expert, đa dư lượng, QuEChERS

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây