Trong y học hạt nhân, hình ảnh lai ghép PET/CT, SPECT/CT đã được sử dụng thường quy trong lâm sàng khoảng 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, gần đây, các hệ thống PET/MRI thương mại mới được ra đời từ năm 2011 và là một phương tiện chẩn đoán mới không chỉ trong nghiên cứu mà còn bước đầu ứng dụng thực hành lâm sàng. Bài tổng quan giới thiệu những tiến bộ hiện nay của PET/MRI trong lâm sàng nhấn mạnh đến các ứng dụng của PET/MRI trong ung thư. Mặc dù PET/MRI không thay thế được PET/CT và không có những ưu thế nổi bật nếu chỉ sử dụng MRI chỉ để đánh giá đơn thuần về mặt hình thể khi so sánh với CT trong PET/CT, PET/MRI có nhiều ưu điểm bao gồm độ phân giải, tương phản cao khi phân tích hình ảnh tổn thương mô mềm, cung cấp nhiều thông tin chức năng dựa trên các kỹ thuật của MRI và giảm liều bức xạ kết hợp với các dữ liệu phân tử của PET. Khả năng phát hiện của MRI được cải thiện hơn so với CT đối với các tổn thương ở não, vú, gan, thận, tiền liệt tuyến và xương dẫn tạo ra những ưu điểm nổi bật của PET/MRI so với PET/CT. Tuy nhiên, một số thách thức đối với PET/MRI vẫn còn tồn tại như giá thành cao, thời gian chụp kéo dài, quy trình phức tạp cao và giá trị chẩn đoán không khác biệt rõ rệt so với PET/CT hoặc kết hợp hình ảnh PET và MRI trong một số bệnh lý. Cùng với sự phát triển của công nghệ, PET/MRI sẽ tiếp tục là một công cụ nghiên cứu hiện đại và sẽ trở nên một kỹ thuật chẩn đoán trong thực hành đối với một số bệnh lý trong ung thư, thần kinh và tim mạch.
Từ khoá: hình ảnh lai ghép, PET/CT, PET/MRI