Tóm tắt: Hiện nay vấn đề an toàn phóng xạ đang được quan tâm ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là khi phía Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Xương Giang và Cảng Phòng Thành gần Việt Nam. Do đó yêu cầu xây dựng kịch bản lan truyền chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhận trên đến Việt Nam được đặt ra. Để xây dựng các kịch bản lan truyền chất phóng xạ trong không khí bằng các mô hình lan truyền chất phóng xạ thì chất lượng số liệu đầu vào, trong đó số liệu khí tượng rất quan trọng. Nghiên cứu này sẽ tiến hành sử dụng mô hình WRF (Weather Research and Forecasting) mô phỏng các điều kiện khí tượng làm đầu vào cho mô hình phát tán phóng xạ. Mô hình WRF được sử dụng với ba miền tính với độ phân giải lần lượt là 54km, 18km, 6km bao phủ trên khu vực Việt Nam và các nhà máy điện hạt nhân Cảng Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc. Các kết quả của mô hình WRF sẽ được đánh giá với số liệu quan trắc. Nghiên cứu cũng tiến hành tạo số liệu khí tượng cho một số điều kiện khí tượng cực đoan đặc trưng. Kết quả ban đầu cho thấy mô hình WRF có khả năng tạo số liệu với chất lượng tốt cho bài toán mô phỏng nguy cơ lan truyền chất phóng xạ từ phía các nhà máy điện hạt nhân Xương Giang và Cảng Phòng Thành sang Việt Nam. Mô phỏng cho thấy trong điều kiện gió mùa đông bắc mạnh, nếu sự cố hạt nhân xảy ra, hầu hết toàn bộ khu vực Miền bắc Việt Nam, trong đó có thủ đô Hà Nội có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng chất phóng xạ từ sự cố. Kết quả của nghiên cứu có thể là nguồn thông tin quan trọng để xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố hạt nhân nếu xảy ra ở một trong hai nhà máy điện hạt nhân Xương Giang hoặc Cảng Phòng Thành của Trung Quốc.
Keywords: Mô hình WRF, Mô hình phát tán phóng xạ