Tóm tắt: Sau 3D-CRT, IMRT dần trở thành kỹ thuật xạ trị phổ biến cùng với sự đi lên về trang thiết bị của các cơ sở xạ trị tại Việt Nam những năm gần đây. Đối tượng: Nghiên cứu này đánh giá 400 kế hoạch 3D-CRT và IMRT của 400 bệnh nhân đã điều trị ung thư triệt căn tại khoa Xạ trị & Xạ phẫu Bệnh viện TƯQĐ 108. Phương pháp: Đánh giá kế hoạch thông qua các đại lượng: chỉ số trùng khớp CN; tương quan thể tích chịu 50% liều chỉ định V50 và thể tích điều trị PTV; tỷ số MU/cGy. Kết quả: Chỉ số CN cao nhất ở vùng não (0,77), thấp nhất ở vùng trực tràng (0,56); tỷ số V50/PTV cao nhất ở vùng thực quản (6,51±3,32), thấp nhất ở vùng não (3,48±1,20) và tỷ số MU/cGy của vùng đầu cổ cao nhất (5,72±1,70) trong khi thấp nhất là vùng trực tràng (1,43±0,14). Đánh giá các kế hoạch IMRT qua 3 năm 2015, 2016, 2017 cho thấy độ bao phủ liều giữa các năm không có nhiều sự khác biệt. Nhưng thể tích PTV năm 2017 (294,49±165,50) thấp hơn đáng kể so với năm 2016 (332,70±203,46) và năm 2015 (527,43±213,87). Kết luận: Độ trùng khớp liều chỉ định tại các vùng não, đầu cổ, thực quản đạt mức khá; vùng phổi, trực tràng đạt mức trung bình. Có thể cải thiện độ trùng khớp liều tại thể tích điều trị với các trang thiết bị và kỹ thuật hiện có tại đơn vị. Sự cập nhật về kỹ thuật, trang thiết bị cũng như đào tạo và tích lũy kinh nghiệm về mặt con người đã cải thiện đáng kể chất lượng kế hoạch IMRT điều trị vùng đầu cổ qua các năm 2015, 2016, 2017.
Từ khóa: 3D-CRT, IMRT, Conformation Number, V50, MU, TPS