Nghiên cứu xử lý chất màu trong nước thải nhà máy dệt nhuộm bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử

133

Cấp đề tài: Cấp cơ sở

Mã số đề tài: CS/18/07-02

Thời gian thực hiện: 12 tháng (từ 01/01/2018 đến 30/12/2018)

Chủ nhiệm đề tài:  TS. Nguyễn Ngọc Duy

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ

Tóm tắt: Nước thải dệt nhuộm đã và đang là vấn nạn cho môi trường sinh thái tại các nước có ngành dệt may phát triển như Việt Nam. Do vậy việc nghiên cứu tìm ra các phương pháp mới có hiệu quả xử lý chất màu cao và thân thiện với môi trường đang được quan tâm nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, nước thải thực tế của nhà máy dệt nhuộm được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử (EB). Sự thay đổi pH, độ màu, nhu cầu oxy hóa học (COD) và nhu cầu oxy sinh học (BOD) của nước thải sau chiếu xạ được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, pH, COD, BOD và độ màu giảm khi tăng liều xạ. Tại liều xạ 20 kGy độ giảm pH, COD, BOD và độ loại màu của mẫu nước thải 1 chứa màu hỗn hợp (Reactive Black 5 + Reactive Red 10 + Reactive Orange 13) lần lượt là 18%, 75%, 66% và 93%. Sự kết hợp giữa hydro peroxit (H2O2) và chiếu xạ chùm tia điện tử làm gia tăng khả năng xử lý màu trong nước thải dệt nhuộm. Tại liều xạ 5 kGy + 5 mM H2O2 độ loại màu của mẫu nước thải 1 và 2  đạt 96% và 95%. Kết quả cho thấy, chiếu xạ EB là phương pháp hiệu quả để xử lý nước thải dệt nhuộm với ưu điểm không tạo bùn thải thứ cấp và có khả năng áp dụng qui mô công nghiệp.

Kết quả: Đã nghiên cứu xử lý màu trong nước thải nhà máy dệt nhuộm bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử với kết quả như sau.

  • Các thông số độ màu, pH, COD và BOD của cả 3 mẫu nước thải đều giảm khi tăng liều xạ từ 5 đến 20 kGy cụ thể là:

+ Mẫu nước thải 1 đạt độ loại màu 93%, độ suy giảm pH, COD và BOD lần lượt là 18%, 75% và 66% tại liều xạ 20kGy

+ Mẫu nước thải 2 đạt độ loại màu 98%, độ suy giảm pH, COD và BOD lần lượt là 14%, 77% và 66% tại liều xạ 20kGy

+ Mẫu nước thải 3 đạt độ loại màu 78%, độ suy giảm pH, COD và BOD lần lượt là 5%, 68% và 58% tại liều xạ 20kGy

+ Các thông số pH, COD, BOD và độ màu trong các mẫu nước thải đều nằm trong giới hạn của cột B của QCVN 13–MT 2015/BTNMT tại liều xạ 20 kGy.

Đã nghiên cứu xử lý màu trong nước thải nhà máy dệt nhuộm bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử kết hợp với tác nhân oxi hóa H2O2 với kết quả như sau:

  • Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ H2O2 tại liều xạ 5 kGy cho thấy nồng độ H2O2 thích hợp dùng để xử lý màu đối với các mẫu nước thải trong nghiên cứu này là 5 mM.
  • Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của liều xạ tại nồng độ H2O2 là 10 mM cho thấy các thông số của các mẫu nước thải như độ màu, pH, COD và BOD giảm khi tăng liều xạ từ 3 đến 12 kGy cụ thể là:

+ Đối với mẫu nước thải 1 và 2 liều xạ thích hợp là 3 kGy tại nồng độ H2O2 10 mM với độ loại màu, độ suy giảm pH và BOD tương ứng là 98%, 13% và 57% với mẫu nước thải 1 và 86%, 12% và 49% với mẫu nước thải 2.

+ Đối với mẫu nước thải 3 liều xạ thích hợp là 6 kGy tại nồng độ H2O2 10 mM với độ loại màu, độ suy giảm pH và BOD tương ứng là 62%, 5% và 48%.

Các kết quả cho thấy, chiếu xạ chùm tia điện tử là phương pháp hiệu quả để xử lý nước thải dệt nhuộm với ưu điểm không tạo bùn thải thứ cấp và có  tiềm năng áp dụng qui mô công nghiệp khi kết hợp với tác nhân oxi hóa hydrogen peroxit để gia tăng hiệu quả xử lý cũng như giảm liều xạ dẫn tới giảm giá thành xử lý.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây